HỆ LỤY CỦA VIỆC BẠO HÀNH CẢM XÚC CON TRẺ

 

Dành 5 phút để " HỌC LÀM BA MẸ" nhé
✨Cùng quay về quá khứ một chút nhé. Bạn đã từng uất ức đến phát khóc khi bị chính ba mẹ mình nói rằng “Sao con ngu thế?” “Chỉ biết ăn thôi, chẳng làm được tích sự gì”,... ? Nếu có, thì bạn đã bị bạo hành cảm xúc và phải chăng đứa trẻ ấy năm nào đã từng bị tổn thương rất nhiều. Và nếu vô tình bạn cũng bạo hành cảm xúc với con như thế thì có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với tương lai con trẻ.
🌈 Bạo hành cảm xúc là gì?
🍀 Một ví dụ đơn giản, khi bạn mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, nhưng với sự năng động vốn có của con, con không để bạn nằm yên mà đùa giỡn, hỏi hàng vạn câu hỏi vì sao như “Mẹ ơi sao mặt trăng lại màu vàng?”, “Mẹ ơi sao con chim biết bay?”, “Mẹ ơi sao mẹ không nấu cơm?”... Bạn không quan tâm con, bơ con đi, hoặc tỏ vẻ khó chịu. Đó là bạn đang bạo hành cảm xúc con trẻ.
🍀 Hay những lúc con không làm hài lòng ba mẹ, ba mẹ mắng “Sao con ngốc thế?”, “Sao con lười nhác thế?”, “Con không phải là con của ba mẹ”... Hoặc khi gặp ai đó mà con không chào, con chỉ trốn sau lưng ba mẹ nhìn dáo dác vì sợ, ba mẹ lại buộc miệng nói “Thằng này hư quá, dạy mãi chẳng chịu chào ai”, thậm chí ép con phải chào bằng được.
🍀 Bạo hành cảm xúc là một dạng bạo hành thụ động, nhẹ nhàng, thường sử dụng lời lẽ thiếu tích cực tác động đến tâm lý con, với mục đích để chỉ dạy con, nhưng thực chất lại là kiểm soát, chỉ trích con, thể hiện sự thiếu chín chắn, vô tâm của ba mẹ.
🌈 Các dạng bạo hành cảm xúc
🍀 Ít thể hiện tình yêu thương với con: Sự gắn kết giữa ba mẹ và con cái là rất cần thiết, quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, có một số ba mẹ ít khi khen ngợi con, ôm con, nói lời yêu thương… thậm chí vắng mặt trong tuổi thơ con mình.
🍀 Cô lập con: Phạt nhẹ, nhắc nhở là cần thiết trong quá trình nuôi dạy con, nhưng cần phải căn cứ vào biểu hiện, hành vi, cảm xúc của con để có những cách thức kỷ luật hợp lý, phù hợp với con chứ không phải phạt nặng để lần sau con không dám nữa. Việc phạt liên tục với những hình thức nặng như nhốt con, đuổi ra ngoài không khác gì đang khủng bố, cô lập con, điều này là ba mẹ đang bạo hành cảm xúc con.
🍀 Sử dụng ngôn từ thiếu tích cực để so sánh, chê bai, giễu cợt, hù dọa, chửi mắng: Có thể ba mẹ nghĩ rằng, những lời nói của mình nói ra để con tốt lên, cố gắng hơn, rồi con sẽ quên những câu từ ấy. Nhưng không phải vậy, nếu lặp đi lặp lại, những lời nói ấy sẽ đi sâu vào tiềm thức của con, và con sẽ tin vào những điều ấy.
🌈 Bạo hành cảm xúc gây ra những hệ lụy nghiêm trọng
Bạo hành cảm xúc với con trẻ có thể làm cho ba mẹ “hạ hỏa” hoặc yên bình trong phút chốc, nhưng nếu xảy ra thường xuyên, nó gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tương lai của một đứa trẻ. Khi nghe những lời nói thiếu tích cực thường xuyên, con trẻ sẽ rất buồn, tổn thương, con tin mình là người như thế, mình không có giá trị gì. Con có thể sẽ sống khép mình, tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến chứng trầm cảm. Ba mẹ đã vô tình dạy con trở thành người kém tự tin, chậm chạp, trốn tránh thực tại, sống dựa dẫm... trong tương lai. Thậm chí, đẩy trẻ vào con đường trở thành người lầm lạc, ngang bướng, bốc đồng, vô cảm,... với mọi người.
🌈 Bạn có đang bạo hành cảm xúc con?
🍀 Nếu đã, đang bạo hành cảm xúc con, đến một ngày nào đó, bạn sẽ không khỏi phiền lòng và tự hỏi bản thân rằng tại sao con nhát thế, tại sao con không biết đưa ra quyết định, tại sao con tiếp thu chậm, tại sao con không biết phản kháng khi bị ăn hiếp, sao con ngang bướng thế…?
🍀 Bạn cần dừng lại ngay nhé. Ba mẹ nên sử dụng ngôn từ tích cực với con trẻ, thể hiện tình yêu thương, dành thời gian cho con nhiều hơn. Khi con làm gì chưa đúng, thay vì đánh mắng, chê bai, ba mẹ cần bình tĩnh lắng nghe, giải thích cho con hiểu con sai ở đâu, chỉ hướng con cách làm đúng. Nếu mất bình tĩnh, ba mẹ hãy hít một hơi thật sâu, tạm rời ra chỗ khác, có thể nghĩ đến những khoảnh khắc đáng yêu của con để giảm áp lực tâm lý rồi tiếp cận con.
🍀 Trường hợp nếu đã lỡ la mắng con, ba mẹ cần có cách xử lý khéo léo để hạn chế làm tổn thương con. Có thể tham khảo gợi ý sau:
🍀 Điều đầu tiên và quan trọng nhất ba mẹ cần làm khi bình ổn trở lại đó là thừa nhận lỗi sai của mình (dù con còn nhỏ hay đã lớn) và cố gắng khắc phục điều đó. Khi làm vậy, ba mẹ cũng đã vô thức dạy trẻ rằng, ai cũng có lúc mắc lỗi, và khi làm không đúng thì nên chân thành nhận lỗi và sửa sai. Ba mẹ có thể nói "Ba/Mẹ xin lỗi vì đã mất bình tĩnh và la con. Ba/Mẹ yêu con", sau đó ngồi xuống cùng bé, phân tích về lý do mình nổi giận, mình đã sai như thế nào, đồng thời cũng giải thích cho con hiểu con chưa đúng ở đâu và cùng nhau thỏa thuận những giải pháp phù hợp để hạn chế mắc những lỗi tương tự về sau. Khi đã “thỏa thuận” được với nhau, ba mẹ có thể đưa con đi chơi để giải tỏa tâm lý nặng nề vừa qua.
🌷 Con trẻ rất vô tư, dễ thương. Sự có mặt của con là điều hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời của những người làm cha làm mẹ. Hãy mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất, để con phát triển một cách tốt nhất, bạn nhé!
Nguồn : Sưu Tầm

 


Kết nối cùng Life Kids

Đăng ký thông tin của bạn để nhận được cập nhật và
tin tức mới nhất của chúng tôi.